Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Điều trị viêm gan siêu vi D như thế nào

1. Viêm gan siêu vi D cấp tính
Vì viêm gan D cấp tính dễ trở thành ác tính, người bệnh cần được theo dõi một cách cẩn thận. Tuy nhiên, trừ những trường hợp bộc phát rất nghiêm trọng, còn thì đa số người bệnh thường không cần phải vào bệnh viện, có thể được điều trị và theo dõi tại nhà.
Khi bệnh trở thành ác tính, người bệnh có những triệu chứng của loạn trí như mất tự chủ, dễ quên, nói lảm nhảm... Nặng hơn nữa có thể sẽ hôn mê, bất tỉnh ... Trong trường hợp máu trở nên quá loãng, người bệnh có thể bị chảy máu cam, ói ra máu, phân đen như mực, và da dễ bị bầm tím. Đây là những trường hợp cần đưa người bệnh vào bệnh viện ngay để theo dõi và can thiệp kịp thời. Cơ may sống sót của những trường hợp này là rất thấp, bởi vì gan có thể bị tàn phá một cách rất nhanh chóng và nếu không được ghép gan, bệnh nhân sẽ tử vong.
2. Viêm gan siêu vi D mạn tính
Thuốc điều trị viêm gan siêu vi D hiện nay thường được dùng là Interferon-alfa. Thuốc được dùng cho cả hai trường hợp viêm gan D cấp tính và mạn tính. Tuy nhiên, đối với giai đoạn viêm cấp tính thì phản ứng của cơ thể là chính, và việc theo dõi bệnh trạng đóng vai trò quan trọng hơn. Vì thế, thuốc được dùng chủ yếu để điều trị khi bệnh được xác định đã chuyển sang giai đoạn mạn tính.
Trong khi đa số bệnh nhân viêm gan siêu vi B có thể sẽ khỏi bệnh mà không cần điều trị, thì bệnh viêm gan siêu vi D có nhiều khuynh hướng chuyển thành mạn tính và tiếp tục tàn phá các tế bào gan. Vì thế, siêu vi viêm gan D được xem là một trong những siêu vi viêm gan tàn độc và nguy hiểm nhất, cũng như “cứng đầu” và khó điều trị nhất.
Thời gian điều trị bệnh viêm gan siêu vi D kéo dài gấp 5 lần so với viêm gan siêu vi B, và lượng thuốc được dùng phải nhiều gấp 2 lần so với điều trị viêm gan siêu vi C.
Liều lượng thuốc điều trị hiện nay thường là từ 5 đến 9 triệu đơn vị thuốc (unit) tiêm dưới da mỗi tuần ba lần, hoặc 5 triệu đơn vị thuốc mỗi ngày, trong một thời gian trung bình là từ 14 đến 16 tháng. Do điều trị nhiều thuốc và quá lâu, có nhiều bệnh nhân không thể tiếp tục điều trị vì bị quá nhiều phản ứng phụ, nhất là những triệu chứng bệnh tâm thần. Đáng kể nhất trong số các phản ứng phụ là tâm trạng buồn phiền, chán nản và nhiều khi có ý định tự tử.
Nhưng ngay cả khi đã rất “nặng tay” trong việc điều trị đến như thế, vẫn chỉ có khoảng 40 đến 70% bệnh nhân có thể bình thường hóa các phân tố hóa ALT và AST mà thôi. Điều đáng tiếc hơn nữa là có khoảng 60 đến 97% trong số bệnh nhân được điều trị có kết quả tốt nhưng sẽ tái phát bệnh sau khi ngưng dùng thuốc. Vì thế, khi bệnh trở nên mạn tính, nguy cơ chai gan và ung thư gan rất khó lòng tránh được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét