Như Dân trí đã đưa tin, ngày 15/8 các bác sĩ đến từ bệnh viện ASAN, Hàn Quốc đã kết hợp với nhóm đồng nghiệp tại bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện ca ghép gan cho bệnh nhân H.C.T. (50 tuổi, ngụ tại TPHCM). Sau 14 tiếng khẩn trương và tỉ mẩn đến từng đường dao mũi kéo, cuộc phẫu thuật cắt ghép phần gan có trọng lượng 750gr từ người con cho người cha được hoàn tất.
Ngày 27/8 sau ca mổ hiến gan cho cha, sức khỏe của chàng thanh niên nhanh chóng bình phục nên đã được xuất viện. Người cha tiếp tục được các bác sĩ chăm sóc và theo dõi các chỉ số sau ghép. Hơn một tháng sau khi được ghép gan, trên cơ sở đánh giá tổng trạng sức khỏe của bệnh nhân, TS.BS. Phạm Hữu Thiện Chí, Phó khoa ngoại Gan - Mật - Tụy, cho biết hiện sức khỏe của ông H.C.T. tiến triển tốt, tất cả các chỉ số về gan đã ổn định bệnh nhân đã có thể xuất viện.
BS Phạm Hữu Thiện Chí khuyến cáo, người sau cho gan cần phải hạn chế các môn thể thao nặng, làm căng cơ bụng ít nhất trong vòng 1 năm. Người được ghép gan sau khi xuất viện nên hạn chế ra ngoài nhiều vì hiện sức đề kháng yếu hơn so với người bình thường nên dễ bị các loại bệnh khác tấn công.
Trường hợp ghép gan của ông H.C.T. là ca ghép gan thứ 2 với sự hỗ trợ của đoàn chuyên gia từ bệnh viện ASAN, Hàn Quốc thực hiện tại Chợ Rẫy. Năm 2012, Chợ Rẫy đã thực hiện ca ghép gan người lớn đầu tiên, tuy nhiên rủi ro đã xảy ra khi bệnh nhân bị xuất huyết ồ ạt rồi tử vong khi đang được theo dõi hậu phẫu tại bệnh viện.
PGS TS Nguyễn Tấn Cường, nguyên Trưởng khoa ngoại Gan Mật Tụy BV Chợ Rẫy, cho biết, ghép gan là một trong những kỹ thuật khó nhất về ghép tạng. Hiện nay, nhu cầu cần ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung là rất lớn, tuy nhiên việc tìm được nguồn tạng phù hợp là rất khó khăn. Ngoài việc phải đảm bảo các chỉ số phù hợp, người cho tạng cần phải vượt qua được rào cản tâm lý. Vấn đề cho hiến tạng ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, ngay cả đối với các trường hợp chết não.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét