Viêm tai giữa ở trẻ em thường xảy ra sau khi trẻ bị cảm lạnh. Bệnh này khiến các bé cảm thấy đau, bứt rứt khó chịu và thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thính lực của trẻ.
1. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa là do nhiễm trùng ở phía sau màng nhĩ của tai giữa gây ra. Nhiễm trùng này có thể do vi khuẩn hoặc vi rút. Trong đó, vi khuẩn là nguyên nhân gây ra 2/3 trường hợp viêm tai giữa cấp tính.
2. Biểu hiện của viêm tai giữa ở trẻ em
Trẻ có thể kéo tai đau và khóc nhiều hơn.
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ em diễn ra rất lặng lẽ mà không có bất kỳ dấu hiệu cụ thể nào. Đôi khi các dấu hiệu lại tương tự như một trận cảm lạnh với các triệu chứng: sốt, chảy nước mũi, khó chịu, biếng ăn. Trẻ có thể than phiền về việc bị đau tai, nhức hoặc nặng tai hoặc cảm thấy khó giữ thăng bằng, giảm thính lực.
Các bé có thể sẽ khóc nhiều hơn và kéo tai bị đau, đặc biệt là khi nằm xuống. Một số bé bị đau dữ dội trong tai.
Khi bị viêm tai giữa màng nhĩ có thể bị thủng và chảy dịch nhày ra, đó là cách tự chữa trị của tai, làm giảm áp lực trong tai do viêm, màng nhĩ thủng này cũng sẽ tự lành lại.
Viêm tai giữa tái phát nhiều lần có thể dẫn đến “tai keo” (glue ear) – hiện tượng chất lỏng dày, đặc như keo ở trong tai giữa. Tai keo có thể dẫn đến mất thính lực ở nhiều mức độ khác nhau, gây khó khăn cho việc hoạt động giao tiếp cũng như học tập.
3. Khi nào cần gặp bác sĩ?
Cần đưa bé đến gặp bác sĩ ngay nếu:
- Bé kêu đau nhức tai
- Có chất chảy ra từ tai
- Bé không khỏe, bị sốt hoặc nôn mửa
- Bạn nhận thấy con gặp khó khăn trong việc nghe
- Con bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần
4. Cách chữa viêm tai giữa ở trẻ em
Các triệu chứng của viêm tai giữa thông thường có thể tự cải thiện trong vòng 24-48 giờ đồng hồ, do đó thông thường không cần dùng đến thuốc kháng sinh.
Nếu bé vẫn cảm thấy đau hoặc không khỏe sau 48 giờ, đặc biệt khi bé dưới 12 tháng tuổi, bác sĩ có thể kê một liều thuốc kháng sinh ngắn, thông thường là penicillin.
Nếu triệu chứng kéo dài quá 48h, bác sĩ sẽ cho bé dùng thuốc kháng sinh.
Phần lớn các bé sẽ chuyển biến tốt sau vài ngày dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên trong mọi trường hợp kể cả khi bé đã tốt lên, bạn cũng cần theo dõi để đảm bảo cho bé thực hiện hết đơn thuốc bác sĩ đã kê.
Việc kết thúc quá sớm có thể khiến viêm tai giữa tái phát. Thông thường sau khi bé đã dùng hết thuốc được chỉ định, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ đưa bé đến tái khám để chắc chắn là triệu chứng viêm nhiễm đã được loại bỏ hoàn toàn.
Mẹ cũng có thể hỏi ý kiến bác sĩ cho bé dùng paracetamol để giảm đau. Trong trường hợp bé đau dữ dội, bác sĩ có thể gợi ý một số thuốc giảm đau gây mê.
Trường hợp tai keo thường sẽ được cải thiện trong vòng 3 tháng và bác sĩ sẽ theo dõi sát sao con bạn để xem bé có chuyển biến tốt không.
Bố mẹ không nên nhét bông vào trong tai con hoặc dùng tăm bông để làm sạch tai bởi điều này có thể làm tổn thương tai bé.
Không nên dùng bông tăm ngoáy tai cho bé.
Trên đây là các biểu hiện, triệu chứng và cách chữa bệnh viêm tai giữa ở trẻ em mà cha mẹ nên biết và lưu lại để sử dụng trong trường hợp không may xảy ra với con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét