Gia tăng mối lo về viêm gan C
Tiến sĩ Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong 9 quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với đại dịch viêm gan vi-rút với tỷ lệ người nhiễm vi-rút cao. Tỷ lệ nhiễm vi-rút viêm gan B (HBV) chiếm từ 10 đến 20% số dân, như vậy có khoảng 12 triệu đến 16 triệu người bị lây nhiễm HBV. Số người nhiễm vi-rút viêm gan C cũng lên tới khoảng 4,5 triệu người. Trong số người bị lây nhiễm có khoảng 5 triệu người bị viêm gan vi-rút B và 3,5 triệu người bị viêm gan vi-rút C. Các nghiên cứu cho thấy, số người bị xơ gan ở nước ta là do vi-rút viêm gan B, vi-rút viêm gan C chiếm tới 80%, sau đó là xơ gan do lạm dụng rượu, bia và một số bệnh khác.
Tiêm chủng cho trẻ khi còn nhỏ để phòng ngừa bệnh viêm gan vi-rút là việc cần thiết.
Có 5 loại vi-rút viêm gan chính, đó là các loại A, B, C, D và E. Viêm gan A và E thường do ăn uống phải thực phẩm, nước bị ô nhiễm. Viem gan B, C và D thường xảy ra sau khi tiếp xúc với các dịch tiết của cơ thể bị nhiễm bệnh, chẳng hạn như truyền máu hoặc các sản phẩm máu của người nhiễm bệnh, các thủ thuật y tế có dùng dụng cụ nhiễm khuẩn. Viêm gan B có thể lây truyền từ mẹ sang con, giữa các thành viên trong gia đình và qua quan hệ tình dục. Vi-rút viêm gan B và C là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh xơ gan và ung thư gan. Bệnh viêm gan B mãn tính có thể điều trị bằng thuốc nhưng rất tốn kém và việc tiếp cận điều trị vẫn còn hạn chế ở nhiều nước đang phát triển.
Điều đáng lo ngại là đối với bệnh viêm gan C-một nhiễm trùng vi-rút ở gan dễ lây lại chưa có vắc-xin để dự phòng. Tại Việt Nam, mối quan tâm về viêm gan C đang ngày càng tăng. Đặc biệt, những người tiêm chích ma túy có tỷ lệ nhiễm viêm gan C rất cao, có thể tới 98,5%. Hiện nay, thuốc điều trị viêm gan C có chi phí rất đắt, chưa được phổ biến rộng rãi tại Việt Nam. Mặc dù có những tiến bộ khoa học và nghiên cứu chuyên sâu đang dẫn đến sự phát triển của nhiều loại thuốc kháng vi-rút mới, dạng uống để điều trị nhiễm trùng viêm gan C, nhưng với các nước có nguồn lực hạn chế vẫn khó khăn để tiếp cận được.
Trẻ sơ sinh cần được tiêm chủng viêm gan vi-rút
Theo TS Trần Thanh Dương - Phó cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), mỗi người mắc virut viêm gan B phải chi phí điều trị từ 2,5 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng; còn điều trị viêm gan vi-rút C mỗi người trong một năm hết khoảng 60 triệu đến 200 triệu đồng. Ngoài số tiền khổng lồ đó, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người bệnh cũng bị giảm sút.
Để từng bước loại trừ bệnh viêm gan vi-rút, chúng ta cần phải tăng cường giáo dục truyền thông để mọi người biết được tác hại của bệnh này. Ðồng thời, tập trung nghiên cứu sản xuất vắc-xin phòng viêm gan vi-rút B và sản xuất huyết thanh kháng HBV để điều trị cho những người mắc bệnh có chỉ định; mở rộng tiêm chủng vắc-xin viêm gan B cho tất cả trẻ sơ sinh (trừ trường hợp không có chỉ định), người dưới 18 tuổi cũng tiêm vắc-xin nếu chưa tiêm, nhất là những người có nguy cơ lây nhiễm cao (nhân viên y tế, nhân viên phục vụ trong trại nghiện ma túy...). Ðây là phương pháp dự phòng có hiệu quả nhất để giảm tỷ lệ nhiễm vi-rút, từ đó tiến đến mục tiêu giảm xơ gan và ung thư gan. Cùng với đó, ngành y tế cần trang bị đầy đủ phương tiện, kỹ thuật tiên tiến để phục vụ đúng quy định an toàn trong truyền máu và các sản phẩm máu; thực hiện các biện pháp phòng, chống lây truyền HBV từ mẹ sang con trong khi sinh. Đây là đường lây truyền quan trọng nhất vì nếu mẹ đang bị viêm gan vi-rút B mãn tính, khi sinh khả năng lây truyền cho con lên đến 90%. Thực hiện điều trị đúng phác đồ đối với những người đã bị viêm gan vi-rút mãn tính. Theo dõi những người đã bị lây nhiễm HBV, viêm gan C, phát hiện sớm viêm gan, xơ gan, ung thư gan để có phương pháp điều trị kịp thời. Xây dựng chương trình phát hiện những người bị lây nhiễm HBV và viêm gan C trong cả nước, trước hết phát hiện những phụ nữ đang thời kỳ sinh đẻ, khi đang mang thai và những người sống chung với người đã bị lây nhiễm vi-rút viêm gan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét